Trẻ bị sốt co giật có ảnh hưởng đến não không? và cách xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật là một câu hỏi rất được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về sốt cao co giật ở trẻ. Dẫn đến khi gặp tình huống này thường rất hoang mang, bối rối. Thậm chí xử lý sai cách dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trong bài viết này, Blog bé yêu xin chia sẻ để các bạn hiểu thêm về sốt co giật ở trẻ. Bài viết khá dài, nhưng có nhiều kiến thức y khoa từ các chuyên gia, giúp các mẹ có thể bình tĩnh xử lý khi gặp tình huống này.
1. Sốt co giật là gì?
Sốt co giật là một tình trạng sốt kèm theo phản ứng co giật xẩy ra ở lứa tuổi 3 tháng đến 6 tuổi. Hầu hết hiện tượng này xảy ra ở lứa tuổi 12-18 tháng tuổi, ở các độ tuổi khác tỷ lệ sốt co giật thấp hơn.
Các triệu chứng sốt co giật ở trẻ: sốt, tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt, tay chân giật liên hồi và 1-2 phút tự hết. Một số trường hợp có thể kéo dài thời gian co giật trên 5 phút.
Sốt co giật ở trẻ gồm loại đơn giản và loại phức tạp. (Khoảng 1/3 trẻ co giật do sốt là co giật thể phức tạp)
Trẻ co giật do sốt thể đơn giản thường gồm các biểu hiện:
- Cơn co giật toàn thân
- Thời gian co giật thường ngắn, tự hết khoảng 1-2 và thường dưới 5 phút.
- Trẻ không rối loạn tri giác hay bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào sau co giật.
- Thường có tiền sử co giật do sốt.
Trẻ co giật do sốt thể phức tạp
- Co giật chỉ một vùng nào đó của cơ thể (khu trú).
- Thời gian kéo dài hơn 15 phút
- Có từ 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ.
- Có rối loạn tri giác hoặc liệt chi sau co giật.
2. Cách xử lý khi trẻ bị sốt co giật.
Dưới đây là cách xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật mà các mẹ cần nắm vững để xử lý khi xẩy ra:
- Khi bé sốt co giật, việc quan trọng là bố mẹ phải bình tĩnh. Thông thường trẻ sẽ hết co giật trong 1-2 phút rồi tự khỏi mà không cần tiêm thuốc chống co giật. Đối với trường hợp co giật trên 5 phút mà không hết thì phải đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị ngay.
Trường hợp trẻ đã hết cơn co giật thì ngay sau đó cũng cần được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.
- Điều quan trọng là phải giữ cho đường thở của trẻ được thông thoáng bằng cách cho bé nằm nghiêng đầu một bên, đầu hơi thấp để cho đờm, nhớt trong miệng bé chảy ra. Một số lưu ý:
+ KHÔNG NHÉT BẤT CỨ THỨ GÌ VÀO TRONG MIỆNG CỦA BÉ và không cố giữ bé.
+ Nhiều bố mẹ sợ bé cắn lưỡi nên lấy cây đè lưỡi, nhét vào miệng bé hoặc dùng tay và bị bé cắn vào tay. Có những trường hợp còn tìm cách cạy răng của bé ra có thể làm gãy răng, chảy máu nướu.
Thực tế bố mẹ không cần nhét gì cản vì khi co giật, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, lưỡi không thể đưa vào giữa hai hàm răng được nữa.
+ Một sai lầm nữa là vắt nước chanh hoặc sả vào miệng bé. Khi bé hết co giật thì có thể hít hột chanh hoặc dị vật gây tắc đường thở, rất nguy hiểm cho trẻ. Do vậy, đừng nhét bất kỳ thứ gì vào miệng bé. Mà bé sẽ tự hết co giật sau vài phút. Lúc này cha mẹ hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
3. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt co giật
- Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nhiễm trùng: do nhiễm siêu vi, vi khuẩn hoặc sau khi tiêm phòng. Ví dụ tiêm phòng sởi-quai bị-rubella sau 1-2 tuần trẻ có thể bị sốt co giật.
- Ngoài ra trong gia đình có người bị tiền sử sốt co giật thì trẻ cũng dễ bị.
Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa xác định chính xác nguyên nhân sốt co giật co giật là gì.
4. Cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt
Các mẹ có thể tham khảo và thực hiện một số cách sau khi trẻ bị sốt để phòng tránh sốt co giật ở trẻ:
- Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị sớm nguyên nhân trẻ bị sốt và phòng tránh cơn co giật có thể xảy ra
- Cởi bớt quần áo trên người trẻ, nới rộng quần áo, đặt trẻ nằm ở nơi thông thoáng. Không được mặc quá nhiều quần áo hay ủ ấm trẻ quá kín.
- Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ.
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ trên 38,50C
- Cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng dễ ăn: cháo, sữa… hoặc các món bé thích ăn để hồi phục sức khỏe.
- Và đặc biệt là đối với trường hợp bé nhà bạn sinh ra đã yếu và suy dinh dưỡng thì mình càng nên phải chú ý. Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung các thực phẩm để cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho bé.

5. Một số thắc mắc về sốt co giật ở trẻ.
5.1. Trẻ sốt cao sẽ bị co giật?
Nhiều người cho rằng sốt cao sẽ bị co giật. Điều này là không có cơ sở bởi không phải trẻ nào sốt cũng co giật. Đồng thời, Nhiệt độ sốt cao không nhất thiết dẫn đến sốt co giật.
Đối với trẻ có cơ địa sốt thì sốt cao có thể dễ co giật hơn. Tuy nhiên, đói với những trẻ này, sốt 38oC đã có thể co giật. Những trẻ khác sốt 40 độ chưa hẳn đã co giật. Theo ước tính, chỉ có 2-5% trẻ dưới 5 tuổi bị sốt co giật. Đồng nghĩa 95-98% trẻ sốt không bị co giật.
5.2. Sốt co giật có ảnh hưởng đến não bộ và bệnh động kinh?
Việc sốt co giật hầu như không ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Không ảnh hưởng đến trí não, cũng không gây ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trẻ lớn lên vẫn khỏe mạnh, thông minh bình thường.Đa số tình trạng sốt co giật sẽ hết sau 6 tuổi, một số khác sau 7 tuổi.
Việc trẻ sốt co giật cũng không dẫn đến động kinh. Động kinh là tình trạng trẻ bị co giật 2-3 lần trở lên mà không sốt. Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AFP), gen di truyền (liên quan đến bệnh động kinh), hoặc bất thường về cấu trúc não rất dễ bị kích hoạt làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn động kinh ngay sau cơn sốt cao co giật đầu tiên ở trẻ.
5.3. Uống thuốc hạ sốt có ngừa được sốt co giật?
Về lý thuyết, uống thuốc hạ sốt giúp giảm sốt, khi không sốt nữa thì không sốt co giật. Tuy nhiên sốt co giật diễn ra vào cơn sốt đầu tiên của đợt bệnh và khi nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Do vậy, cha mẹ chưa kịp để phòng ngừa. Nếu có cho uống thuốc thì 20 phút mới có tác dụng. Lúc này bé đã sốt co giật rồi. Sau khi co giật xong mới cho uống thuốc thì cũng không có tác dụng nữa. Tuy nhiên, nếu cha mẹ lo lắng quá thì vẫn có thể cho uống thuốc hạ sốt.
KẾT LUẬN
Sốt là một phản ứng bình thường mà bất kỳ trẻ nào cũng mắc phải. Về mặt khoa học đây là biểu hiện có lợi, thể hiện sự phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh.
Có nhiều loại sốt khác nhau như: sốt siêu vi, sốt mọc răng, sốt do nhiễm trùng… Do vậy, bố mẹ cần trang bị kiến thức cần thiết để hạn chế tình trạng trẻ bị sốt co giật. Hy vọng qua bài viết các bạn đã biết cách xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật đúng cách.